Chị Tôi ( Phần 1)

23 Tháng Ba, 2015
Tôi quen chị một cách tình cờ. Niềm đam mê chung của cả hai là cầu nối. Tôi đã rất ngưỡng mộ chị! Một cử nhân kinh tế loại A nhưng lại có một tâm hồn lãng mạn. Những vần thơ, câu chữ của chị xiết bao nỗi thiết tha, nhưng mộng ước của người con gái. Nhưng đằng sau những câu từ hoa mỹ đó, cuộc đời chị đâu có đẹp như vậy đâu!
Chị kể tôi nghe chuyện cuộc đời chị – một người đàn bà được xem là hạnh phúc. Chị giỏi giang, ai cũng nhìn thấy điều đó. Chị có một người chồng tài giỏi, không khó để biết được. Và một cháu trai ngoan ngoãn, kháu khỉnh. Nếu chuyện đời chị chỉ có thế thôi thì đâu có gì để nói? Nhưng những ước mơ về niềm đam mê của chị của chị chưa từng vơi cạn.

Những năm phổ thông chị học lớp chuyên toán. Đó là một điều trái ngược với khả năng của chị. Chị có một tâm hồn lãng mạn, như đã nói, khả năng của chị cũng rõ rệt là mạnh các môn xã hội hơn tự nhiên. Nhưng đó là ý của gia đình, là một người con, chị không dám làm trái. Để rồi niềm đam mê chị chỉ dám theo đuổi âm thầm, giấu diếm.
Áp lực gia đình về mối lo tương lai lại một lần nữa khiến chị phải theo học ngôi trường mình không yêu thích, chuyên ngành kinh tế có liên quan gì đến khát vọng bấy lâu của chị chẳng? Câu trả lời chắc chắn là không. Chị phải bỏ đi mơ ước của riêng mình, cất đi cái đam mê mọi người cho là phù phiếm. Chị chấp nhận! Đúng hơn là cam chịu!
Trải qua vài cuộc tình lỡ dở, chị yêu anh và nên nghĩa vợ chồng. Cháu trai ra đời như trái ngọt của cuộc hôn nhân. Cứ ngỡ là sẽ mãi hạnh phúc, ấm êm như vậy!
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng trăn trở nếu cái gọi là đam mê sẽ không một lần nữa tìm về. Cháu trai ra đời, vì muốn dành nhiều thời gian cho con nên chị nghỉ việc, trở về mở một cửa hàng nhỏ. Cháu dần lớn lên, thời gian dư dả của chị cũng nhiều thêm. Người ta nói “ nhàn cư vi bất thiện”, chị không “bất thiện” nhưng chị “nhàn cư vi”, nên đam mê từng gác lại trong quá khứ lại trỗi dậy, lại sục sôi trong chị. Cũng nhờ đó mà chúng tôi quen nhau.
Chồng chị ngăn cản, anh bảo chị đừng ham mê mấy cái vô bổ đó đâu đem lại lợi ích gì đâu. Anh nói đúng, ngoài những người lỡ buộc mình với cái nghiệp viết lách thì mấy ai có thể hiểu được những giá trị của điều đó chứ! Anh là người thực tế, anh bảo có giỏi giang thì xuất bản sách đi, hay làm gì đó để chứng minh giá trị đó! Ai có thể chứng minh? Nghiệp văn chương nói dễ thì dễ thật mà khó cũng vô cùng! Đặc biệt là những con người đi theo con đường văn chương chân chính hoặc đến với văn chương như trải lòng mình thì càng khó khăn hơn!


Chị tôi không muốn đầu hàng! Nhưng chị có thể làm gì? Chứng minh ư? Đó là điều không tưởng! Nhưng từ bỏ thì… chị không nỡ. Chị đã từng gác đam mê lại một lần, chị không muốn thêm một lần từ bỏ nó. Nhưng, chị có thể làm gì? 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *